Nội dung chiến dịch của học thuyết Tác chiến chiều sâu

Định nghĩa nghệ thuật chiến dịch

Trong giai đoạn đầu tiên khi nghiên cứu rút tỉa kinh nghiệm chiến tranh, các nhà lý luận quân sự Hồng quân vẫn còn lúng túng khi mô tả các nội dung chiến tranh ở giữa cấp "chiến lược" và "chiến thuật" và phải sử dụng những khái niệm như "chiến lược cấp thấp" hay "chiến thuật lớn" thay thế[21]. Sự lúng túng này chấm dứt khi A. Svechin đã đưa ra định nghĩa về Nghệ thuật chiến dịch như sau:

"Chiến lược quyết định việc sử dụng các lực lượng vũ trang và mọi nguồn lực của đất nước để đạt được mục tiêu quân sự cuối cùng...Các trận đánh là phương tiện (thực hiện) của chiến dịch, còn chiến thuật là vật liệu cấu thành nghệ thuật chiến dịch. Bản thân chiến dịch là phương tiện của chiến lược, còn nghệ thuật chiến dịch là chất liệu cấu thành chiến lược. Đây chính là bản chất của một công thức 3 thành tố."[21]

Các chiến dịch nối tiếp

Với một định nghĩa rõ ràng về "nghệ thuật chiến dịch", N.E. Varfolomeev, trưởng khoa Chiến dịch mới thành lập ở Học viện Quân sự Frunze, đã đào sâu nghiên cứu cuộc nội chiến trước đó, đặc biệt là thất bại Vistula 1920 của Tukhachevsky để tìm kiếm mối quan hệ cơ hữu giữa các chiến dịch. Phân tích của ông cho thấy rằng mặc dù hậu cần yếu kém không bù đắp được tiêu hao của Phương diện quân Tây là một nguyên nhân quan trọng của thất bại, nhưng nguyên nhân chính là chiến dịch do các Phương diện quân khác thực hiện không được nối kết mục tiêu với chiến dịch Vistula khiến cho đối thủ có cơ hội phục hồi và giành giật quyền chủ động chiến trường. Từ kết luận này, ông nhấn mạnh mục tiêu của nghệ thuật chiến dịch là phải liên tục kiểm soát quyền chủ động bằng các chiến dịch nối tiếp như sau:

"...một chuỗi các chiến dịch lần lượt phát triển nối tiếp, được nối kết liền lạc với nhau, mỗi chiến dịch một mục tiêu hữu hạn được thống nhất trong một mục tiêu chung... Mục tiêu của các chiến dịch là tiêu diệt hoàn toàn quân lực địch; dựa trên phương pháp tấn công không ngừng nghỉ; bằng cách liên tục phát triển các chiến dịch nối tiếp nhau - mỗi chiến dịch là một bước gần hơn tới chiến dịch quyết định cuối cùng."[22]

Ba giai đoạn của một chiến dịch

Varfolomeev đánh giá rằng trong điều kiện chiến tranh mới, các tuyến phòng ngự sẽ kéo dài hàng nghìn km, khiến cho bên tấn công không có cơ hội vận động bọc sườn. Do đó, ông nhận định cần phải kết hợp vận động chiến dịch với việc mở cửa đột phá[23]. Như thế, một chiến dịch về cơ bản gồm có 3 giai đoạn: mở cửa đột phá qua khu vực chiến thuật của tuyến phòng ngự; khai thác thành quả chiến thuật để tạo nên thành công chiến dịch; khai thác thành quả chiến dịch bằng một chiến dịch kế tiếp[24].

Varfolomeev cũng đề xuất chia lực lượng xung kích của Tập đoàn quân hoặc Phương diện quân thành hai thê đội: thê đội một đảm nhận việc đột phá tuyến phòng ngự, còn thê đội hai là nhóm cơ động chiến dịch đảm nhận việc thọc sâu. Lực lượng giữ tuyến đóng vai trò hỗ trợ để ghim chặt lực lượng phòng thủ của đối phương; sau khi cửa đột phá được mở, thì lực lượng này phải giữ cánh hộ sườn cho lực lượng xung kích[25]. Trong khi chiến dịch đang tiến hành, thì Phương diện quân sẽ tuỳ tình hình mà tổ chức một lực lượng xung kích dự bị, sẵn sàng tiến hành giai đoạn 3[24].

Nghệ thuật nghi binh chiến dịch

Tukhachevsky phác hoạ ý tưởng của ông về cách lựa chọn hướng chiến dịch là: "Không cần phải tấn công trên toàn mặt trận... Cần phải tập trung quân lực, bộ binh, pháo, không quân và các binh chủng hỗ trợ nhiều lần mạnh hơn đối phương trên hướng chính. Người chỉ huy giỏi phải biết chấp nhận rủi ro khi bố trí yếu ở các hướng ít quan trọng..."[26].

Đề cập về yếu tố rủi ro của Tukhachevsky trong lựa chọn hướng chiến dịch chính là cầu nối với yếu tố bất ngờ. Đây cũng là cơ sở để đúc kết vào học thuyết các nguyên tắc của nghệ thuật nghi binh. Do đó, maskirovka - với nội dung là đánh lạc hướng đối phương; giấu kín hướng tấn công chính; bí mật tập trung quân dự bị đông đảo; tận dụng hoạt động ban đêm; thực hiện tốt nghi binh chiến thuật[27][Ct 4] - trở thành một công cụ không tách rời của nghệ thuật chiến dịch.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Tác chiến chiều sâu http://www.militaryhistoryonline.com/wwii/articles... http://www.calvin.edu/academic/cas/gpa/goeb36.htm http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/House/House... http://www.cgsc.edu/carl/resources/csi/glantz3/gla... http://www.au.af.mil/au/awc/awcgate/opart/opart_nw... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/USAWC/Parameters/Arti... http://www.carlisle.army.mil/usawc/Parameters/1985... http://www.history.army.mil/books/OpArt/index.htm#... http://www.dtic.mil/cgi-bin/GetTRDoc?AD=ADA416926&...